Làm thế nào để phát âm tốt? Có rất nhiều tip (mẹo) nhưng Phát Âm Hay sẽ chọn 10 thói quen mà mình thường giới thiệu cho học viên của mình vào đầu các khoá học.
- Hãy quan sát người bản xứ phát âm
Khi xem các bộ phim nước ngoài, các chương trình giao lưu (talk show), các bạn hãy để ý cách người Anh-Mỹ phát âm. Hãy quan sát các cử động của miệng (môi), lưỡi, và cơ mặt của họ để bắt chước làm theo. Người Việt chúng ta không có thói quen cử động các bộ phận phát âm quá nhiều, nhưng người Anh-Mỹ thì ngược lại, họ cử động rất rõ nét để tạo ra những âm cụ thể. Hãy tận dụng các chương trình nước ngoài trên mạng để quan sát và làm theo.
- Hãy tập phát âm chậm nhưng rõ ràng, chính xác
Mình từng gặp những bạn nói tiếng Anh “như gió” nhưng khiến người nghe không hiểu rõ bạn nói gì. Nếu các bạn đã luyện tập giao tiếp rất nhiều, có khả năng phát âm chính xác từng câu – từ, đó mới là lúc thể hiện tốc độ của mình. Nếu không, hãy bắt đầu với việc phát âm thật chậm, rõ ràng, chính xác, bảo đảm người nghe tiếp nhận được đúng ý bạn muốn nói và không bị nhầm lẫn sang từ hay ý khác.
- Hãy nghe và bắt chước nhạc điệu của tiếng Anh
Tiếng Anh là một ngôn ngữ có nhạc điệu (music). Nhạc điệu của tiếng Anh chính là ngữ điệu lên xuống ở các thành phần khác nhau trong câu, sự nhấn trọng âm ở một số âm tiết của các từ, và sự liên kết giữa các từ qua hình thức nối âm. Những khái niệm này ít hoặc không có trong tiếng Việt, nên dễ bị các bạn trẻ Việt Nam bỏ qua. Nhưng nhạc điệu lại chính là phần quan trọng trong phát âm tiếng Anh. Vì vậy, khi theo dõi phim, talk show, bạn có thể bắt chước phát âm lại những câu mà người bản ngữ nói, đặc biệt là bắt chước cả ngữ điệu, cách nhấn nhá lên xuống giọng. Hãy để âm nhạc là một phần trong phong cách nói tiếng Anh của bạn.
- Hãy sử dụng chức năng “nghe phát âm” của từ điển điện tử
Hiện nay khi gặp một từ mới mà các bạn không biết, nhiều bạn vẫn học theo thứ tự sau: mở từ điển -> tìm từ -> tra nghĩa -> học thuộc cách viết từ và nhớ nghĩa. Bước nào đã bị bỏ qua trong quy trình này? Đó chính là bước phát âm. Phương pháp đúng phải là: khi mở từ điển, bạn tra cách đọc trước và thậm chí nghe đọc 10 lần trên từ điển điện tử, rồi mới tra nghĩa và ghi nhớ nghĩa cùng với cách đọc. Đừng đọc theo cách mà mình đoán, hãy đọc theo cách mà người bản xứ phát âm.
Bạn có thể sử dụng các từ điển điện tử uy tín của Longman, Cambridge, Oxford. Đây là những từ điển có phần ghi âm cách đọc mỗi từ do con người phát âm (chứ không phải robot). Nhớ rằng cách phát âm từng từ có nhiều khác biệt theo giọng: chẳng hạn từ home (nhà) được đọc là /həʊm/ theo kiểu Anh, nhưng là /həʊm/ theo kiểu Mỹ. Do vậy, bạn nhớ chọn giọng Anh-Anh (British accent) hay Anh-Mỹ (American accent) tuỳ theo nhu cầu của mình.
- Hãy ghi chú những từ thường gặp hoặc từ khó đọc
Các bạn có một số tay để ghi chép những điều quan trọng hằng ngày. Hãy dành một phần trong đó để ghi chú những từ thường gặp mà bạn chưa quen đọc, hoặc những từ khó phải luyện đọc rất nhiều lần. Khi rảnh rỗi, chúng ta lật sổ tay và nhắc lại những từ này lần nữa.
- Hãy nghe và đọc văn bản cùng một lúc
Bây giờ đến phần những đoạn nói chuyện, những văn bản dài và khó. Bạn đã lưu chúng trong podcast hay điện thoại để nghe. Hãy lưu đồng thời văn bản chữ (transcription) của nó trên giấy, vừa nghe vừa dò (rà) theo văn bản để chú ý chính xác mỗi từ được phát âm thế nào, với ngữ điệu ra sao và có nối âm với từ trước đó hay không. Ta sẽ học và ôn lại được rất nhiều phương pháp phát âm từ cách thức vừa nghe – vừa đọc này
- Hãy chú ý đến âm cuối của mỗi từ
Cũng theo thói quen phát âm của người Việt Nam, chúng ta thường không chú trọng đến âm cuối. Ví dụ, khi nói “đi làm”, sẽ kì cục nếu ta nhấn mạnh âm “m” cuối cùng (“đi là-mmm”). Ngược lại, tiếng Anh chú trọng cực kì đến âm cuối. Chẳng hạn, nếu không nói rõ “He learns” hay “he learned” sẽ tạo ra nhầm lẫn về thì, tức về nghĩa của câu. Vì vậy, các bạn cần tập thói quen đọc rõ âm cuối, vừa giúp người nghe hiểu rõ ý của bạn, vừa giúp việc nối âm giữa các từ được mượt mà, tạo ra nhạc điệu cho câu của bạn.
- Hãy luyện đọc to mỗi ngày
Mình khuyên các bạn sinh viên dành 15-20 phút mỗi ngày để luyện đọc to và rõ ràng. Ban đầu, các bạn có thể không tự tin và mắc nhiều lỗi phát âm, nhưng theo thời gian bạn sẽ theo dõi được sự tiến bộ của chính mình. Đặc biệt, hãy nhớ duy trì thói quen này lâu dài. Đừng chỉ dừng lại ở vài ngày hay vài tuần, các bạn cần duy trì luyện đọc mỗi ngày thậm chí khi bạn đã nói tốt tiếng Anh.
- Hãy ghi âm các bài đọc của mình
Khi luyện đọc, một trong những cách để các bạn phát hiện ra những lỗi phát âm của mình và sửa chữa sau đó – chính là ghi âm giọng đọc của mình và nghe lại. Các bạn có thể nghe lại để tự chữa lỗi hoặc nhờ những người có kinh nghiệm chữa lỗi giúp mình. Mạnh dạn ghi âm và đừng ngại khi cảm thấy giọng mình không hay.
- Hãy kiên nhẫn!
Những phương pháp trên chỉ hiệu quả khi bạn thực hiện nó trong một thời gian lâu dài, với đủ lòng kiên nhẫn. Học qua triết học, các bạn đã biết quy luật tích tụ đủ về lượng dẫn đến thay đổi về chất. Không thể trông mong mình trở thành người phát âm hoàn hảo trong một ngày. Bạn cần luyện tập thật nhiều, duy trì sự hăng say và nghiêm túc để tiến bộ theo thời gian. Hãy kiên nhẫn để trở thành người nói tiếng Anh đúng và hay!
Trên đây là những phương pháp chung. Để đến với những thủ thuật phát âm cụ thể, các bạn có thể tìm xem các video và chia sẻ của chị cùng các giảng viên Phát Âm Hay tại facebook hay website của trung tâm.
Qua nhiều năm học tiếng Anh, mình cảm thấy phát âm là kĩ năng đầu tiên, là nguồn gốc của mọi kĩ năng khác mà ta phải nắm bắt. Phát âm đúng và hay khiến mình tự tin hơn và cảm thấy tiếng Anh hay hơn, yêu tiếng Anh hơn, cảm thấy không điều gì khó khăn ngăn cản bạn chinh phục môn ngoại ngữ này nữa.